[Đạo Mộ Bút Ký] Hạ Tuế Thiên 2016 - Điếu Vương


Chương 1: Đồ Câu Ở Làng Cổ
Tôi châm điếu thuốc, nhìn phong cảnh đang chạy lướt qua ngoài cửa sổ. Bàn Tử biết điều mở hé cửa sổ bên tôi, để khói thuốc bị gió cuốn ra ngoài xe.

Anh ta mở rất chậm. Muộn Du Bình ngồi ghế sau, bị nhồi nhét chung với đống quà Tết. Chuyến này về quê phải đi thăm nhiều người lắm, tôi chuẩn bị sẵn rất nhiều đặc sản làm quà. Cốp xe cũng không chứa hết nổi nữa.

Đây là một chiếc bán tải Nissan secondhand, không thực dụng bằng chiếc Kim Bôi nhà tôi, nhưng tôi ở trên trấn, trong thời gian ngắn chỉ kịp mua cái xe như thế này mà thôi. Tuy chủ cũ của xe cam đoan là động cơ vẫn còn tốt lắm, chưa tháo dỡ gì đâu, nhưng dẫm chân ga cảm giác vẫn khó chịu lắm. Cứ như là dẫm trên bông vải ấy.

Nếu từ thị trấn ra ngoài Bàn Sơn vào đến thành phố, từ thành phố có thể lên cao tốc Đồng Tam, đi mười mấy tiếng, qua Phân Thủy Quan huyện Thương Nam là đến Chiết Giang, về Hàng Châu ăn Tết. Vốn là tôi lên kế hoạch như thế, nhưng cuối cùng lại quyết định ở lại đây. Bởi vì bọn Tiểu Hoa nói muốn xuống miền Nam chơi, bọn họ nghĩ Phúc Kiến hẳn là nơi ấm áp lắm. Ha ha, tới là biết liền. Tôi nghĩ thầm. Thế là quay xe về đường huyện, nhiều đoạn đường chỉ rộng có một làn xe, ngoài cửa sổ là vực sâu vạn trượng, rất chi là kí©h thí©ɧ.

Năm nay rất lạnh, lúc trên núi còn thấy nước suối đóng một lớp màng băng bên trên, phủ kín hết cả khe suối nhỏ dọc sườn núi. Tôi hút thuốc, tay vắt ngoài cửa kính, có thể cảm giác rõ ràng nhiệt độ bên ngoài thấp đến đau nhức.

“Mà này, năm nay cậu ba mấy ấy nhỉ?” Bàn Tử đột nhiên hỏi tôi.

Tôi không trả lời, vặn nắp chai nước khoáng, lấy nó làm gạt tàn thuốc. Tôi giơ tay lên nhìn ngón tay mình, phần ngón tay kẹp điếu thuốc đã bị khói lửa hun thành một màu ố vàng, đó là do thuốc kém chất lượng quá mà ra. Lúc ở trong núi chỉ có mấy điếu thuốc, không đủ, nên chỉ có thể đem lá thuốc lá ra tự cuốn tự hút. Lá thuốc lá cũng không phải loại tinh thuần, mà kiếm mấy lá đậu ven đường đem phơi khô rồi trộn cùng với thuốc lá. Làm thế mới đủ dùng hút một thời gian dài. Mùi vị không tốt lắm, nhưng thà thế còn hơn là bị ép cai thuốc.

Đúng là phải cai thuốc thôi, tôi nghĩ thầm. Mấy ngày nay, từ khi Muộn Du Bình ra khỏi núi, giờ là mùa lạnh nhất ở Phúc Kiến. Tôi thấy hắn đứng trong sân, dùng nước lạnh dội thẳng lên đầu, tôi với Bàn Tử đều cảm thấy não mình như đông cứng luôn. Chúng tôi đứa nào đứa này tay chân lẩy bẩy cả rồi, cảm thấy cơ thể suy nhược hết rồi, thế mà hắn vẫn y nguyên như vậy.

Ba mươi mấy à, quên luôn tuổi mình đi, có lẽ đấy là cách duy nhất.

Đang nghĩ ngợi, xe chợt giảm tốc, chậm lại, tôi ngẩng đầu nhìn phía trước là cả một hàng xe thật là dài. Tắc đường. Phía trước có một chiếc container chệch khỏi đường, một bánh xe đã trượt ra mép vực, trọng tâm cả xe nghiêng về phía vực sâu, cảm tưởng như sắp lật nhào đến nơi.

Xe lớn mà đi đường này, đa phần là vì muốn tiết kiệm phí cao tốc. Đi kiểu đường này nhiều rồi thế là lơ là chủ quan, lại đúng lúc tiết trời băng giá, dễ xảy ra tai nạn.

Bàn Tử mở cửa sổ ngó ra ngoài xem, gió lạnh thổi vù vù vào trong xe. Muộn Du Bình cũng tỉnh dậy, co rụt người lại. Bàn Tử chửi: “Mẹ kiếp, lại kẹt xe, tôi đã nói cả ngàn lần rồi, tụi mình phải đi xe máy, đi xe máy thì có phải là giờ đã cưỡi lên đầu bầy rùa này mà vượt qua rồi không.”

Xe dừng ngay cuối hàng, nhiều tài xế đã xuống xe, đứng đấy tập thể dục theo đài. Thậm chí còn có dì nông dân dỡ hàng hóa trên xe mình xuống, cứ thế bày sạp bán hàng luôn, chứng tỏ tắc đường đã khá lâu rồi. Tôi mở cửa xe xuống dưới, ném tàn thuốc vào chai nước. Không khí lạnh như băng làm đầu óc mơ mơ màng màng của tôi ngày càng tỉnh táo lại.

Một bên đường là vách núi, trên trên dưới dưới lơ thơ mấy khóm cây, còn nhìn thấy từng gò đồi nhấp nhô sau núi, một ngôi làng thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện trong khe núi cách đây hơn nửa dặm. Toàn là những căn nhà ngói đen quét vôi vàng ảm đạm. Chắc là một ngôi làng khá nghèo.

Tôi vươn vai, mở di động lên xem weixin, vừa men theo đường mà tiến lên phía trước.

Bọn Tiểu Hoa đã xuất phát ở Bắc Kinh rồi, điểm dừng đầu tiên của bọn họ là Hàng Châu, đến thăm bố mẹ tôi với chú Hai, sau đó mới thuê xe đến chỗ bọn tôi. Đệch, tôi nghĩ thầm, bố mẹ tôi càm ràm cái gì tôi cũng không sợ, nhưng chú Hai mà cũng muốn đến, chắc là lo cho tôi. Tú Tú đăng lên một đống hàng mới chuẩn bị tung ra dịp cuối năm, đăng liền lúc hơn hai mươi cái liền, tôi kìm chế xúc động muốn kéo con nhỏ vào blacklist, bấm like mấy cái.

Mấy năm trước còn không có weixin, giờ dùng rồi là không tách ra nổi.

Đi liền năm sáu phút là đến bên chỗ chiếc container, tôi hỏi ông tài xế hút thuốc ở gần đầu xe có chuyện gì xảy ra thế? Tài xế là một người Đông Bắc, chạy xe ở Quảng Châu và Phúc Kiến, vẻ mặt buồn phiền nói trên đường đi đυ.ng phải một con chim, giật mình thế là xe trượt một cái. Phen này năm nay dông thật rồi. Xe thì kẹt ở đây, có khi sáu bảy tiếng sau cũng không giải quyết được, điểm cứu hộ gần nhất muốn đến được đây cũng khó. Tôi đành an ủi vài câu. Quay lại xe của mình, tôi bảo Bàn Tử đỗ xe lại, phen này không xong rồi, làm cửu vạn thôi, dỡ đống đồ xuống khuân đến ngôi làng gần đây, tìm đội xe máy nào đấy nhờ chuyển hàng, đắt tí cũng phải chịu thôi. Chứ không thì ba má đến nơi hết cả mà mình còn chưa về đến nơi đâu.

Ba người xuống xe, kiểm lại đống quà Tết, muốn khuân hết chỗ này một lúc là không thể, chỉ chọn mấy thứ quan trọng nhất, mỗi người khuân ba chục ký. Nếu không phải tụi này đã quen việc khuân vác thì chắc đây đúng là một cái Tết cực khổ.

Chúng tôi đi bộ ra đường cái, men theo núi mà xuống, đi vào khu đồi cây thưa thớt, tiến về phía ngôi làng nọ.

Ước lượng khoảng cách thì phải mất một tiếng mới tới nơi. Trên thực tế, đi được nửa giờ, hết lên lại xuống, toàn thân vã mồ hôi, chúng tôi đã đến được con đường đất gồ ghề dẫn vào làng. Bên đường trông đậu nành, bị chúng tôi giẫm nát không ít. Thôi vào làng hỏi thăm rồi bồi thường họ ít tiền là được.

Nhưng khi chúng tôi đến gần ngôi làng thì lại có chút luống cuống, bởi vì mấy căn nhà đất ngoài làng đều đã mục nát và sụt lún hết. Trước cửa đặt toàn vàng mã đồ cúng và lư hương. Niên đại cũng rất lâu, đống vàng mã đã mục nát đến mức không nhìn ra gì nữa rồi, chỉ còn lại mấy thứ lổn ngổn phủ đầy bụi, chả biết là cái gì. Nếu chỉ có một căn nhà thì thôi đi, đằng này căn nhà nào cũng kỳ quặc như thế, có hơi đáng sợ.

Tôi liếc nhìn Muộn Du Bình, sắc mặt hắn vẫn điềm tĩnh, đương nhiên hắn cũng nhìn thấy điểm khác thường, nhưng không chút hứng thú nào với nó. Ba người cắm đầu đi vào làng, tôi âm thầm cầu khấn mong đây không phải làng bỏ hoang, lại khấn thêm mong trong làng có xe máy. Vào làng rồi, đến khu vực nhà gạch vôi vữa, tôi nhìn thấy một hàng tạp hóa đầu tiên, bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.

Bàn Tử lập tức tiến đến, người trông hàng là một phụ nữ mặc áo lông tím, tay ôm con, đang xem ti vi. Bàn Tử gõ gõ lên quầy hàng thủy tinh, “Chị gái ơi, hỏi thăm tí chút.”

Người phụ nữ quay đầu lại, thấy chúng tôi mang vác nặng, đầu đầy mồ hôi, thì lộ ra vẻ khϊếp hãi. Sau đó cô ta kêu to lên bằng tiếng địa phương, rất nhanh sau đó, một bà lão từ buồng trong chạy ra, chắc là mẹ của cô ta, Bàn Tử nở nụ cười thật thà, hỏi tiếp: “Chúng tôi đi leo núi, mệt quá không đi nổi nữa, muốn tìm xe máy đi, chúng tôi đưa tiền, xe máy ấy.”

“Xe máy?” Người phụ nữ ngơ ngác nhìn chúng tôi, sắc mặt trắng bệch, tôi lập tức cũng ra vẻ thực thà, quay về phía bà cụ chớp chớp mắt.

Người phụ nữ thì không có phản ứng gì nữa, bà lão dùng tiếng địa phương gọi người phụ nữ, hai người nói chuyện với nhau một hồi, bà lão đương nhiên đã hiểu ra vấn đề, bèn chỉ sang một hướng khác. Người phụ nữ bảo: “Mẹ tôi nói ngõ bên kia có máy kéo, người ta chở hàng.”

Chúng tôi lập tức gật đầu cảm ơn, rời khỏi tiệm tạp hóa nhỏ, đi vào ngõ bên kia. Bàn Tử lau mồ hôi nói: “Mẹ, cô em đằng kia làm gì mà cứ như ma nữ ấy, sao chẳng thấy hơi người gì cả?”

“Có lẽ đàn ông trong làng này đều ra ngoài làm ăn hết, trong làng quạnh quẽ quá, bình thường cũng không có buôn bán gì, xem ti vi nhiều quá cũng dễ trở thành mặt mũi đờ đẫn vậy mà.” Tôi nói, tự dưng nhớ đến Vương Minh. “Hai ngày nữa là người ta về quê, chắc là sẽ náo nhiệt lên ấy mà.”

Ngõ rất sâu, chúng tôi đi vào, thấy cửa sắt của mấy ngôi nhà quét vôi này đều đã rỉ sét hết, không biết bên trong có người ở hay không nữa. Đi được khoảng ba phút, chợt thấy cửa một ngôi nhà gạch cũ kỹ, bên trên còn treo một tấm biển gỗ đơn sơ.

Ở nhà quê, nhà đất là đơn sơ nhất, thường là nhà từ thời xửa xưa hoặc là dùng để cất giữ nông cụ hoặc nuôi gia súc. Loại thứ hai là nhà bằng gạch, đa phần là nhà cũ nhưng giữ gìn vẫn còn tốt, có lẽ là giữ lại từ hồi đấu tố địa chủ. Phần lớn là gạch xanh ngày xưa, do cũ quá nên nhiều chỗ trên tường còn bị rạn nứt. Ngôi nhà này chính là như vậy, khung cửa sổ bằng gỗ méo mó biến dạng đã chứng minh tuổi đời của nó.

Tấm biển gỗ kia đương nhiên cũng đã lâu rồi, trên biển có mấy chữ thư pháp: Lôi Mi Liên điếu khí.

Cửa lớn mở rộng, bên trong tối đen như mực, là một phòng khách lớn đúng kiểu nhà nông truyền thống, có mấy băng ghế dài, một bàn bát tiên kê sát tường, trên tường treo ảnh Mao chủ tịch và lịch năm, trên bàn có đặt một ít đồ cúng. Dưới đất là nền gạch lõm xuống, mặt đất la liệt vỏ bào thân tre với gậy tre trúc. Bên cạnh còn có mấy thứ gì đó trông như vòng sắt, hình như là để gia công cho gậy trúc kia, ngoài ra không còn gì khác.

“Là ở đây hả?” Bàn Tử hỏi tôi, tôi nghĩ thầm, anh hỏi tôi tôi biết hỏi ai.

“Làm gì có máy kéo đâu?” Bàn Tử đi vào trong ngó quanh: “Ở đây nghèo thấy mẹ thế này, liệu có máy kéo không?” Nói rồi định lui ra ngoài, bỗng nhìn thấy một ông lão gầy rộc đi ra từ trong hẻm, đứng ở bên tường. Ông đeo kính mắt, đang cau mày nhìn chúng tôi.

Chúng tôi cũng nhìn ông, từ từ đi qua.

Đôi mắt ông lão vẫn còn sáng ngời, ông cũng không kiêng kỵ gì, mắt không chớp nhìn chúng tôi đi qua, cứ như đang quan sát một lũ trộm vậy.

Tình huống này quả thực rất xấu hổ. Bàn Tử nhẹ giọng nói, mau đi đi nhìn làm gì. Chúng tôi đi lướt qua ông lão, khóe mắt lại thấy ông lão kia đi theo phía sau, chúng tôi cứ đi về phía trước, ông lão liền đi sát ngay sau.

“Hay là cướp nhỉ?” Bàn Tử nói: “Nhìn trúng miếng sườn heo tụi mình rồi, đã bảo là đừng có khoe của mà lỵ!”

“Đệt mợ nhìn trông người ta tuổi đã gần 90 rồi mà còn cướp bóc cái nỗi gì? Trông tụi mình mảnh mai lắm à?” Tôi nói: “Mà mẹ kiếp đừng có chạy nữa, chắc là tưởng tụi mình là trộm đó.”

“Trộm quái gì khuân cả trăm cân trên người? Trộm này cũng chăm chỉ quá chứ.” Bàn Tử xí một hơi. Cả đám chuẩn bị tăng tốc. Đúng lúc này, ông lão kia đột nhiên mở miệng, hỏi bằng thứ tiếng phổ thông chưa sõi: “Này anh bạn ơi, đi ngang qua liệu giúp cho một chuyện được không?”

Chúng tôi ngẩn người đứng lại, thì thấy ông lão kia không hề nhìn chúng tôi mà đang nhìn Muộn Du Bình, nói: “Xem dáng đi của cậu, hẳn là làm nghề đó, có phải không?”

Thêm Bình Luận