Chương 1

Ánh trăng tản mát một mùi hương xưa cũ, ngày lại ngày, mọc đằng Đông, lặn đằng Tây.

Vừng sáng vàng kim mờ nhạt hắt xuống lòng sông cũng nhàn nhạt vàng kim, mang theo hơi giá chạm khẽ vào đầu vai hắn, rồi từng tấc trườn về phía năm tháng xa xôi vô tận, báo hiệu một tương lai u ám. Hai mắt từ từ khép lại, cứ thế tựa vào song cửa.

Bên ngoài cửa sổ là trúc hải xanh tươi được ánh trăng gột rửa, xào xạc trong đêm như sóng thần lặng êm.

Trong cuộc đời này, mỗi người đều có một linh hồn đồng điệu. Cho dù Đàn nhạc nổi lên, ngọc bội cởi trao, thần tiên bay mất; áo mơ níu đứt chẳng giữ nổi người, thì rốt cuộc ai cũng gặp được một người. Là ngẫu ngộ duy nhất cả cuộc đời, là day dứt, là mê say, là gắn bó, là lìa biệt. Là không thể quên được, mà cũng không thể cầu được. Là, hắn gặp được y.

(Văn cầm giải bội thần tiên lữ, vãn đoạn la y lưu bất trú. – Mộc lan hoa, Án Thù đời Tống. “Văn cầm” chỉ Trác Văn Quân nghe tiếng đàn Tư Mã Tương Như mà bỏ theo chàng, “giải bội” chỉ Thần Nữ trong truyền thuyết tặng ngọc bội tiễn người yêu. Đại ý cuộc tình nào cũng ngắn ngủi, tương phùng rồi ly biệt.)

“Đêm hôm ấy anh bước vào cuộc đời tôi, không phải tôi cũng bước vào năm tháng của anh sao? Khi anh nhìn tôi, bóng tôi cũng in vào tròng mắt anh, lẽ nào anh không hiểu?”

Nhiều năm về sau, mỗi khi nhớ lại, đêm hè trong quá khứ lại hiện ra rõ ràng trước mặt. Rừng núi xa xôi bọc lấy nhà cửa cỏ dại mọc đầy. Đêm khuya gió núi thổi qua mí tóc, người trẻ tuổi thanh tú đứng dưới đình hoang. Bên hông ngọc bội trong như nước chảy, tà áo bay trong gió thoang thoảng mùi hoa, quần áo trên người cũng nhuốm vẻ sơn cảnh ngày hè, đượm một màu khói xanh nhàn nhạt.

Trong khoảnh khắc, chớp mắt một cái, hắn liền như vậy hiện ra.

*

Năm thứ hai mươi ba Thái Hòa.

Gió qua rặng trúc mang theo tiếng rền xào xạc, hòa vào tiếng nước róc rách từ một khe núi nào đó không rõ xa gần. Bước chân người dừng lại, trong chốc lát ngắn ngủi lại nhớ tới cố hương. Ở quê nhà, đêm xuân mưa đánh vào cửa sổ cũng là những âm thanh như vậy, bùi tai dễ chịu, lại không quấy rầy mộng đẹp.

Mùi hoa thuận gió mà bay đến, chẳng biết từ nơi nào. Giữa những đêm hè như đêm nay, mùi hoa âm u mà thơm mát, lại có vẻ say lòng. Quay đầu định tìm nơi hương bay ra, nhưng ngoài đốm lửa lập lòe của bầy đom đóm ăn đêm, bầu không trước mặt đen như mực. Vì thế đành tiếp tục lần mò tiến về con suối bên triền núi.

Rừng trúc không biết lớn cỡ nào, đi rất lâu vẫn không đến nơi.

Bỗng nhiên giữa khe hở của mấy đoạn trúc lóe lên một tia sáng nhạt. Hắn thoáng bất ngờ, rồi hối hả theo ánh sáng kia mà tiến, quả nhiên là chỗ có người. Trước sau ba bốn gian khiêm tốn, bố trí cũng giản dị tao nhã. Đèn l*иg trước cửa đong đưa trong gió đêm, hắt ra quầng sáng mờ nhạt, dường như là ánh sáng đã thấy ban nãy.

Hắn bước lên gõ cửa.

Tay nắm kiểu đầu thú hình như hơi rỉ, tiếng đập cồng cộc trong đêm làm hắn khẽ giật mình. Cánh cổng gỗ màu son ì ạch mở ra, người đứng phía sau là một tiểu đồng có đuôi mắt dài như mắt hồ ly, mười ba mười bốn tuổi, khuôn mặt cùng dáng điệu lanh lợi, chưa nói đã cười, lộ ra hai lúm đồng tiền: “Vị khách này, có việc gì sao?”

Đã canh ba mà quần áo tiểu đồng vẫn chỉnh tề khiến hắn hơi chột dạ. Tiểu đồng nhìn sắc mặt của khách, đôi mắt hồ ly đảo một vòng rồi toét miệng cười: “Công tử nhà tôi nói nghe thấy tiếng chân người giẫm lên lá cây sột soạt, đoán là có khách đến chơi, bảo tôi bận đồ tử tế ra chào. Vị đây cần gặp công tử nhà tôi sao? Hay có chuyện gì khác?”

Hắn vội phân trần: “Trên đường qua đây chẳng may bị lạc, nơi này rừng sâu hiểm trở, nghe nói dã thú đêm đêm ăn thịt ở đồng hoang. Muốn tìm một nơi tá túc nhưng xung quanh không có nhà nào, nên xin phiền gia chủ một bận.”

Tiểu đồng cười hì hì: “Ra vậy, vừa khéo cậu tôi chưa đi ngủ. Tôi vào báo cậu một tiếng, xin chờ ở đây…” , rồi tiện tay khép hai cánh cổng lại.

Tâm tình vừa thả lỏng, liền nghe được tiếng tiểu đồng hô váng bên trong: “Công tử, công tử, ngoài cửa có vị khách áo xanh!”

Vị khách áo xanh? Hắn phì cười, cúi đầu nhìn xuống, quả một thân lục sắc. Xưng hô vừa vặn như in lại đúng mực. Vị khách áo xanh. Vị khách áo xanh…

Đèn l*иg mờ mờ tỏ tỏ, hắn ở ngoài cửa bồi hồi chờ.

Trong rừng trúc, tiếng gió, tiếng côn trùng, tiếng nước, tất cả đều tịch mịch. Lá trúc rơi rất chậm, đáp xuống đất lặng yên.

Không lâu sau, tiểu đồng có đôi mắt hồ ly trở ra: “Công tử nhà tôi nói khách đứng ngoài đi qua đi lại, sợ chờ lâu sốt ruột, mời quá bộ vào nhà!”, đoạn đưa tay nới rộng hai cánh cửa.

Vừa xoay vào, tiểu đồng lại a lên: “Người khách có mùi hương thật là dễ chịu!” Nghĩ ngợi một lát, nhe răng cười: “Đúng rồi, cái này cậu tôi có dạy, gọi là thơm nức như lan!” Hắn cười theo, cũng không nói gì. Hai người bước đi thong thả. Hình như nghe thấy tiếng vọng rì rầm từ khe núi phía xa. Ngọc bội chạm vào tay áo sột soạt như tiếng nước ngầm. Họ đi qua cái sân cỏ cây tàn úa, đến được gian nhà chính.

Buồng rất rộng mà trống trải, có ít thư sách, một bàn cờ đã tàn. Bên tường kê chiếc bàn con, trên cắm một nhành hồng xiêu vẹo trong bình thúy ngọc, hương hoa theo gió ngả nghiêng. Cửa sổ không đóng, một bản mẫu chữ thời Đường bị gió cuốn hơi hơi xê dịch. Lò sưởi hình đầu thú đốt hương cỏ tế tân, khói trắng bay lên mỏng mảnh như tơ nhện, tinh tế uốn lượn như đường eo thiếu nữ mặc gió nghênh đưa. Giữa phòng rủ xuống tấm mành trúc ngăn cách không gian, nhìn vào trong còn kê một chiếc tràng kỷ.

Gian phòng đầy gió, lại đượm hương lá trúc.

Tiểu đồng hớn hở gọi: “Công tử, khách đến rồi!”

“Đã biết.”

Có tiếng trả lời bên trong mành trúc, một giọng trầm ổn thanh thuần như rượu cũ. Mành trúc phát ra âm thanh “tinh tinh,” gia chủ từ phía sau đi tới mỉm cười.

Công tử trong lời tiểu đồng là một người trẻ tuổi, độ hăm hai, hăm ba. Dáng người cao cao thanh nhã, mặc áo dài xanh như nước. Diện mạo coi như tuấn tú, con ngươi trong suốt thấy đáy, mi mục rõ ràng. Tay áo hơi hơi phất lên, dường như giấu cả gió xuân.

Như châu như ngọc. Không nghĩ lại là một người như vậy…

Hắn cười rộ lên bước qua chào: “Đêm nay không cẩn thận lạc đường, bất đắc dĩ phải quấy rầy nhà ta. May được hảo tâm giữ lại, thật là cảm kích!” Cân nhắc một thoáng lại thêm vào: “Không dám phiền công tử nghỉ ngơi. Tôi ngồi đây một chốc, trời sáng sẽ xuống núi.”

“Đi đường có mệt không?” Người trẻ tuổi nở nụ cười cắt lời.

Hắn còn đang sửng sốt, chủ nhà đã tự mình nói tiếp: “Nếu không phiền, thì cùng nhau uống một chén rượu.”

*

Thong thả rót loại rượu màu lụa bạch vào chén, gia chủ tủm tỉm cười: “Tôi ở núi này đã lâu lắm, hẳn cũng có duyên. Chỗ này quạnh quẽ vắng người, nhà hẻo lánh chẳng ai lui tới. Bên cạnh chỉ có một tiểu đồng tuổi nhỏ chưa hiểu chuyện, thường ngày không biết tâm sự cùng ai. Vừa hay hôm nay có khách đến chơi, hiếm hoi mới có người bầu bạn, bởi vậy cũng không quản khách đường xa mỏi mệt mà lôi ra tán chuyện, phiền đến anh rồi…”

Hắn bật cười gạt đi: “Công tử cần gì khách sáo, đều không ngủ được, ngồi đợi trời sáng một mình cũng chán thôi. Tôi cũng muốn cảm ơn chủ nhà đã cho kẻ qua đường trú chân. Nhưng anh thật sự không buồn ngủ?”

Người thanh niên nhấp một ngụm rượu, xoay xoay cái chén trong tay, nụ cười giống như đã bắt rễ từ lâu trên khuôn mặt: “Là thói quen.”

“Thói quen?”

“Hàng năm cứ tới mùa này, cả đêm đều không ngủ được.”

“Vì sao?” Hắn bất giác tò mò.

Chủ nhà ắng đi một lúc mới khẽ nhếch môi: “Tôi đang đợi sơn quỷ.”

Hắn giật mình, rồi mỉm cười có lệ, tỏ ý không bình luận.

Thanh niên ngả vào lưng tràng kỷ, cười to mách tiểu đồng: “Tiểu Tứ nghe chưa, bị người ta cười rồi!”

Tiểu đồng híp mắt hồ ly thành đường kẻ, lảnh lót trả lời: “Người ta không tin lời cậu đấy!”

Gia chủ bỗng dưng thu lại nét cười, nghiêm túc nhìn về phía hắn. Hắn bỗng thấy bồn chồn. Sau lưng vẳng ra tiếng cười khanh khách của tiểu đồng Tiểu Tứ. Trong lòng nôn nao hồi hộp, nhưng vẫn tập trung quan sát người đối diện, cố gắng làm ra vẻ điềm nhiên.

“Anh không tin lời tôi ư?” Người thanh niên tảng lờ những che đậy của hắn, nghiêm trang hỏi lại.

Hắn thở dài: “Tin rằng sơn quỷ có thật ư?”

Người trẻ tuổi tuấn tú thản nhiên nở nụ cười, lại chiêu thêm hớp rượu, chán chê mới ung dung nói: “Mùa này… là mùa quỷ núi thường hay lui tới mà… Buổi tối mùa hè nếu nghe thấy những tiếng thú kêu rất lạ lùng, giống tiếng hổ gầm, giống tiếng sói tru, bên trong lại có ‘âu âu nha nha’ mơ hồ như tiếng người nói chuyện, thì phải là sơn quỷ. Tiếng ấy nghe lộn xộn, giống như đứa nhỏ mới bi bô tập nói, nhưng rồi lại âm u trầm xuống, rất êm tai.”

Hắn cau mày, xích lại gần: “Thế ra sơn quỷ có thực sao?”

“Đúng vậy,” thanh niên êm dịu gật đầu: “Giống như giao long dưới biển xanh, linh tê trong đầm lớn, dạ xoa quần đỏ áo hồng bay lượn trên đại mạc hoang nguyên, rừng sâu có sơn quỷ thì có gì kỳ lạ? Gọi là quỷ núi, thực ra chính là sơn tinh thôi, chúng là một phần của núi rừng. Đúng rồi, anh lạc đường không chừng là chúng đùa dai đấy! Bình thường sơn quỷ sống lẫn vào đất đá, hoặc ẩn vào thân cây, hoặc biến thành chim thú, luôn khó gặp. Chỉ đến đêm hè chúng mới hiện nguyên hình, chạy khắp chốn rong chơi. Cho nên hàng năm cứ tới mùa này quanh nhà lại có dấu chân. Đôi khi nửa đêm nghe thấy tiếng động từ trong rừng đi ra, giẫm lên thảm lá sàn sạt…”

“Vậy anh gặp sơn quỷ chưa?”

“Chỉ sợ anh không tin, tôi ở đây thường xuyên có sơn quỷ quấy rầy. Tới lui dần dần thành quen thuộc. Chúng nó thường tới nhà tôi mượn đồ. Sơn quỷ luôn nửa đêm mới tới, tôi sợ chúng đến không có ai mở cửa nên hàng năm cứ mùa này lại không ngủ được, ngồi ở phòng này chờ. Mới rồi anh cũng nhìn thấy đi, đèn l*иg ngoài cửa vì chúng nó mà thắp đấy.”

Hắn hồi tưởng lại, sâu trong rừng trúc không người tới giữa đêm khuya lại có một ngọn đèn l*иg. Nghe chủ nhà nói như thế, quả nhiên chỉ có một tác dụng, nhưng vẫn bán tín bán nghi.

Người thanh niên trông nét mặt hắn, nụ cười vẫn y nguyên, quay đầu dặn tiểu đồng: “Mang ra đây.”

Tiểu Tứ nghe lời dông tuốt vào trong, chốc lát trở ra mang theo một hộp gấm đựng bát đặt xuống bàn. Có năm bát tất cả, trong đó bốn chiếc màu xanh trong suốt hệt như nhau, hoa văn trên thân vô cùng tinh xảo. Cái bát thứ năm không rõ tại sao lại mỏng hơn, màu trắng bạc. Người thanh niên nhón lấy đặt vào tay hắn. Nhẹ như lông ngỗng, hoàn toàn không có sức nặng.

“Bát giấy à?” Hắn bất ngờ.

Chủ nhà gật đầu, giọng nói rất êm tai: “Này là bộ bát sứ men xanh vân bạc hình rồng, vốn là vật cũ. Tương truyền thuộc về công chúa Vĩnh Thọ của tiền triều. Tám thợ lành nghề ban đầu nặn ra chín chiếc, nhưng một chiếc nung trong lò bị hỏng, cho nên cuối cùng còn tám, tinh xảo tuyệt luân, mỗi cái đều là hàng thượng phẩm thế gian hiếm thấy.

Năm ấy khi bộ bát làm xong cũng là thời điểm Vĩnh Thọ công chúa gả vào phủ Trấn Bắc tướng quân. Hoàng hậu liền ban bộ bát này cho ái nữ làm của hồi môn. Đêm động phòng, công chúa nhìn thấy phò mã của mình chỉ là một đứa bé chín tuổi, kinh hoàng sẩy tay làm vỡ một chiếc. Mười năm sau Trấn Bắc tướng quân nổi loạn không thành, phò mã chết trong đám loạn quân, Vĩnh Thọ công chúa tự vẫn, bộ bát sứ này cũng theo những bảo vật khác trong phủ Tướng quân sung vào quốc khố. Lại tiếp mười năm, thiên hạ đại loạn, giặc cỏ nổi dậy tứ phương, bốn bề gió gió mưa mưa. Rồi đến trăm năm, bóng đao ánh kiếm, vó ngựa đế giày đẩy dân chúng vào cảnh bần cùng. Giang sơn mấy lần đổi chủ. Bảo vật trong cung cũng dần dần biến mất, lưu lạc trong dân gian. Trường Giang dằng dặc chảy trôi, Lục triều chuyện cũ biết nơi nào tìm? Bằng ấy năm, cuối cùng được làm vua thua làm giặc, ít nhiều hồng nhan ôm nỗi hận, bao kẻ ăn năn hối tiếc, chính là không kịp nữa…”

Dứt lời bèn thở dài não ruột.

(Thanh giang du du vương khí trầm, Lục triều di sự hà xử tầm. – Đài thành hoài cổ, Lưu Vũ Tích thời Đường)

Hắn không nhịn được mỉm cười, đáp lại rất thong dong: “Tôi nghe nói cánh thợ nề ở kinh thành cả đời xây lầu đài cho chủ, không ít lần chứng kiến chủ suy tàn, đến lúc phải rời đi cũng chẳng kịp nhìn tòa nhà mình xây sụp đổ. Vẫn biết thế thời đổi thay trong chớp mắt, rêu xanh nhuộm ngói đỏ thành xanh, điện ngọc lầu vàng, ca đài thủy các rồi cũng thành băng tan gió tán. Đáng tiếc cho một nàng kim chi ngọc diệp chẳng địch nổi thương hải tang điền… Người còn như vậy, huống chi là một đồ vật chết?”

Người trẻ tuổi mỉm cười vuốt cằm, chỉ vào hộp gấm: “Bộ bát này đã qua nhiều chủ, lúc đến tay tôi thì chỉ còn năm. Hiện giờ lại có một cái biến thành bát giấy, vậy là còn bốn!”

Hắn ngỡ ngàng: “Xảy ra chuyện gì? Đang yên lành sao lại thành bát giấy?”

“Cái bát thất lạc là cho sơn quỷ mượn. Hàng năm cứ mùa này, sơn quỷ hiện nguyên hình chạy khắp núi rong chơi. Tụ tập bằng hữu, chè chén tiệc tùng, vì thế thường đến nhà người ta mượn bát. Chuyện ấy mỗi hộ quanh núi này đều biết, cứ hè sang chúng lại đến đôi lần. Sơn quỷ tới thoạt tiên gõ cửa, có người ra mở lại nấp vào một bên không chịu hiện thân, dần dà chủ nhà tự hiểu đó là sơn quỷ đến mượn đồ. Vì thế chỉ bỏ bát trên thềm rồi đóng cửa đi vào, chúng sẽ nhảy ra lượm lên rồi biến mất…”

Thanh niên ngừng một lát, không biết nghĩ tới điều gì, lắc đầu cười thành tiếng.

Hắn chờ mãi không thấy chủ nhân nói chuyện, đành phải hỏi: “Công tử cười cái gì?”

Cái người tuấn tú ấy chỉ mỉm cười nhìn đám cây cỏ rầu rầu ở trong sân, hồi lâu không nói. Lúc này, cặp mắt sáng như trăng dẫn theo một ý vị lạnh lùng, ngay cả lời nói cũng có phần chán ghét, dường như đang miệt thị.

“Kỳ thật, đôi khi ngẫm nghĩ, lại thấy sơn quỷ thật ngây ngô. So với người còn khả ái hơn nhiều.”

Hắn nghe vậy ngẩn ra, liền kín đáo cúi đầu. Sau mí mắt, đôi con ngươi hơi hơi lưu chuyển.

Người thanh niên dời mắt khỏi khoảnh sân, lại bừng lên vẻ tươi cười, nhấc bình rượu châm đầy chén.

“Sơn quỷ trọng chữ tín vô cùng, người còn không bì được. Mượn là mượn, qua vài ngày liền hoàn trả tận tay. Nhỡ sứt mẻ chẳng còn nguyên thì đôn đáo khắp nơi lùng đồ tốt đem về bù lại. Mùa hè năm ấy đêm đã khuya, tôi ở trong đình nghe ve kêu thì có tiếng gõ cửa bên ngoài. Bấm ngày biết là sơn quỷ đến mượn bát, tôi bèn dặn Tiểu Tứ sắp ra mấy món sứ hạng trung. Bẵng đi một hồi tiếng gõ cửa lại vang lên, bát nằm đấy mà cánh cửa không ngừng phát ra tiếng đập. Đoán chúng chê hạng này thường quá, tôi tự mình đi lấy bộ sứ Nhữ diêu. Đổi hết bát xanh lam kiểu Nhữ diêu, bát xanh lục hình đài cúc, bát xanh lơ kiểu lá sen, bát xanh nõn màu chồi mai mà chúng vẫn chưa ưng, mãi đến bộ vân rồng xanh biếc này mới chịu cầm, nhưng chỉ nhón một cái ở giữa. Tôi tò mò hỏi vì sao. Đôi bên qua lại đã lâu, chúng cũng không giữ kẽ, bèn dùng tiếng người đáp lại, nói nhỡ tay làm hỏng đồ mượn từ nhà dưới chân núi bên kia, không cách nào hoàn trả, đành đến vay một chiếc trám vào. Bởi vì là của bồi thường, cho nên phải tìm đồ tốt nhất.”

“Sau đó thế nào?”

“Sau đó à?” Chủ nhà hừ lạnh. “Được vài hôm sơn quỷ kia quay lại. Lần này mới chiều tối đã nghe thình thịch bên ngoài. Quỷ núi vô cùng khoái chí, đập cửa không ngừng, nói là đến trả bát, còn muốn đích thân cảm ơn tôi. Hộ kia thấy của bồi thường thì mắt sáng quắc, chẳng những không mắng nó làm hỏng đồ của họ còn tốt bụng tặng thêm mấy bát giấy làm quà. Nó bèn cầm đến trả tôi luôn, không quên cảm ơn ba lần bảy lượt.” Người thanh niên nói khẽ.

Một con chim ăn đêm từ đâu bay vụt xuống sân, nhẩn nha đếm bước, thỉnh thoảng chúi xuống mổ giun trong bụi cỏ may.

“Sơn quỷ đêm ấy rất hân hoan, nó đâu biết dân quanh đây cố tình làm riêng bát đũa giấy cho chúng mượn, đợi trả về thì coi như hàng mã đốt đi. Không biết, nên cứ bôn ba khắp nơi tìm đồ quý mà đền.” Y đón ánh nhìn hắn liếc sang: “Còn không khờ khạo đáng yêu ư? Chẳng như loài người, người gạt người, gạt cả thần cả quỷ, so ra kém cả giống yêu tinh. Anh nói phải hay không phải?”

Hắn vỗ tay cười: “Thật chẳng sai! Lừa người gạt quỷ thì thôi, trên đời có kẻ ngay bản thân mình cũng lừa gạt nốt.”

Người thanh niên nghe được câu đó, tròng mắt loáng lên, chừng như hơi xúc động: “Đúng vậy, lừa cả chính mình… thì còn gì không thể lừa đâu?”

Hắn không biết đáp thế nào, đành làm thinh nhìn người đối diện.

Bất ngờ đám chim chóc ngoài sân kêu lớn, hai người choàng tỉnh ngoảnh ra nhìn. Chỉ kịp thấy bóng chim bay qua tường cũ, mất hút trong chớp mắt. Trời dần về sáng, trong góc nhà tiểu đồng có đôi mắt hồ ly không biết từ khi nào đã ngủ say sưa. Hắn như người bước ra từ mộng, vội vã đứng lên, không giấu được chút thẫn thờ: “Sáng rồi, tôi phải về thôi.”

Chủ nhà cũng giật mình mà nhỏm dậy theo, vẻ thất thố ngắn ngủi lộ ra trong chốc lát, rồi lại cười rất tự nhiên: “Nào nghĩ một đêm qua nhanh như vậy… Cẩn thận lên đường.”

Hắn gật đầu, lòng dở dang nhưng chẳng biết nói gì hơn, cuối cùng đành cảm tạ suông. Người đó khoát tay, vẫn một hai “lên đường cẩn thận.”

Hắn cười cười, theo lối cũ đi ra.

Đám cỏ may phiền phức bám vào giầy bố, cứ mỗi bước lại nghe tiếng ngọc bội trên người sột soạt lẫn vào tiếng nước ngầm từ khe núi phía xa. Khoảnh sân cũ chưa được mấy dấu giày đã ra tới cổng. Then cửa vừa nhấc xuống, giọng nói thanh thuần như rượu cũ đột nhiên gọi hắn từ đằng sau. Quay đầu lại, người trẻ tuổi bận áo dài như nước đứng dưới hiên nhà.

“Hàng năm mùa này…” Viền môi thanh niên khẽ nhếch, rất nhanh, rồi rành rọt hẳn lên: “Hàng năm mùa này, tôi đều ở đây. Khách sang năm lại đến chứ?”

Tay đặt trên then cửa, ánh mắt đậu trên tay. Hắn đưa lưng về phía người kia, nụ cười nở dần trên khuôn mặt, từ tốn nói vọng về: “Tôi tên là Tiểu Yến.”

Ngọc bội chạm vào then cửa phát ra một tiếng “đinh” âm vang. Giọng hắn như tiếng nước trong khe, trong trẻo mà lạnh lùng.

Phía sau chợt có tiếng trả lời: “Đỗ Hoành. Còn tôi gọi Đỗ Hoành.”

Đỗ Hoành.

Tiểu Yến mỉm cười gật đầu, sau đó đi qua cổng.

(Đỗ hoành, hay đỗ hành, đỗ hạnh: tên một loài cỏ tế tân, vị giống gừng, tính ấm, là một vị thuốc Bắc như cây xương bồ)